Đòn bẩy chuyển đổi số logistics cho thủ phủ công nghiệp Bình Dương
Bình Dương không chỉ nổi tiếng với vị thế thủ phủ công nghiệp, còn là trung tâm logistics hàng đầu của cả nước. Với sự phát triển đồng bộ của hạ tầng và sự chủ động trong định hướng phát triển, tỉnh đang mở ra nhiều cơ hội mới về chuyển đổi số cho ngành logistics.
Bình Dương hiện là một trong những địa phương phát triển năng động nhất của khu vực phía Nam và cả nước với sự hình thành và phát triển 30 khu công nghiệp tập trung, 12 cụm công nghiệp tập trung gắn kết với việc thu hút 4.000 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với hơn 40 tỷ USD và hàng chục nghìn doanh nghiệp trong nước.
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương hiện đã vươn lên đứng vị trí thứ 3 trên cả nước. Chỉ tính riêng năm 2023, kim ngạch xuất nhập khẩu của thủ phủ công nghiệp Bình Dương là hơn 56,5 tỷ USD và 3 tháng đầu năm 2024 là 13,4 tỷ USD.
Lợi thế đó đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics của Bình Dương cũng phát triển khá nhanh về cả số lượng lẫn chất lượng. Hệ thống kho, bãi, phương tiện vận chuyển liên tục được đầu tư mới, mở rộng, nâng cấp, cơ bản đáp ứng được yêu cầu lưu thông hàng hóa trong và ngoài nước của các doanh nghiệp trong tỉnh.
Theo ghi nhận, Trung tâm phân phối FM Logistics tại Khu công nghiệp VSIP 2A đưa vào vận hành để đáp ứng nhu cầu trên. Ông Hamza Harti, Giám đốc điều hành FM Logistics Việt Nam, cho biết Bình Dương là một trong những trung tâm công nghiệp và sản xuất phát triển nhanh nhất tại Việt Nam.
Là nơi tập trung của nhiều Khu công nghiệp và khu sản xuất, Bình Dương trở thành địa điểm lý tưởng để trở thành một trung tâm phân phối hiện đại, quy mô, có thể tham gia vào hệ sinh thái công nghiệp. Nhiều cụm công nghiệp tập trung tại khu vực này, bao gồm ngành điện tử, dệt may và hàng tiêu dùng nhanh, là lợi thế hấp dẫn cho cơ hội hợp tác giữa các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng của hệ thống logistics để vận chuyển hàng hóa xuất khẩu.
Với những bước tiến chắc chắn và định hướng phát triển rõ ràng, Bình Dương đang thể hiện vai trò của mình không chỉ trong ngành công nghiệp mà còn trong lĩnh vực logistics. Điều này không chỉ tạo ra cơ hội phát triển kinh tế mà còn góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước. Bình Dương không chỉ là điểm đến của các doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội mới mà còn là biểu tượng cho sự sáng tạo và phát triển trong thời đại số hóa và hội nhập quốc tế.
Theo thống kê của Hiệp hội Xuất khẩu tỉnh Bình Dương, quý I năm 2024, riêng hệ thống logistics đã tăng khoảng 25% do thị trường xuất khẩu hàng hóa ấm dần lên. Song rủi ro vẫn hiện hữu trong bối cảnh thị trường kinh doanh ngày càng cạnh tranh và hội nhập quốc tế hiện nay.
Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu tỉnh Bình Dương Phạm Văn Xô cho biết, hiện chuỗi cung ứng trong hệ thống logistics trên địa bàn tỉnh đã chuyển đổi số từng phần, nhưng chưa đạt như kỳ vọng, do nguồn lực đầu tư còn hạn chế. Theo đó, cần đòn bẩy cho lĩnh vực chuyển đổi số ngành công nghiệp logistics để đưa hàng hóa xuất khẩu tiến nhanh hơn nữa.
Mới đây, tại buổi làm việc đoàn công tác của Bộ Thông tin truyền thông, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh đã đặt ra nhiều kiến nghị với Bộ Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh vào việc hỗ trợ tỉnh trong việc xây dựng hồ sơ và phê duyệt đề án Khu Công nghệ thông tin tập trung cũng như việc xây dựng mô hình cơ sở dữ liệu chuỗi cung ứng; đồng thời, hỗ trợ đào tạo kỹ năng số cho lao động, đây là một phần không thể thiếu trong quá trình chuyển đổi số của ngành logistics.
Về phía Bộ Thông tin truyền thông, Quyền Cục trưởng Cục Chuyển đổi số Quốc gia Hồ Đức Thắng gợi ý nhiều biện pháp để chuyển đổi số liên quan đến thúc đẩy dịch vụ công trực tuyến và đào tạo nguồn nhân lực.
Cụ thể, những giải pháp này gồm việc tự động hóa trong quản lý kho bãi và vận chuyển, sử dụng công nghệ thông tin để tối ưu hóa quản lý chuỗi cung ứng, cũng như đào tạo và nâng cao kỹ năng số cho người lao động.
Chuyển đổi số không chỉ là một xu hướng mà còn là một cơ hội cho ngành logistics tại Bình Dương. Việc áp dụng công nghệ và đổi mới trong quản lý và vận hành có thể giúp giảm chi phí, tăng cường hiệu suất, và nâng cao chất lượng dịch vụ. Đây là những yếu tố quan trọng giúp ngành logistics không chỉ phục vụ hiệu quả cho nhu cầu vận chuyển hàng hóa mà còn thúc đẩy sự phát triển bền vững của khu vực và đất nước.
Bình Dương đã xác định việc đẩy mạnh dịch vụ logistics là một trong những nền tảng quan trọng để thu hút đầu tư nước ngoài, thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế, và trở thành trung tâm logistics của khu vực phía Nam. Để thực hiện mục tiêu này, tỉnh đang tích cực xây dựng Đề án Phát triển bền vững hệ thống logistics đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Các doanh nghiệp logistics tại đây đang tích cực chuyển đổi số, tiêu biểu như Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) với đề xuất cải tạo và xây dựng ga liên vận quốc tế Sóng Thần tại thành phố Dĩ An trở thành trung tâm logistics của tỉnh Bình Dương và Đông Nam bộ.
Ông Đặng Sỹ Mạnh, Chủ tịch Hội đồng thành viên VNR cho biết, VNR đã tổ chức được những chuyến hàng liên vận quốc tế từ ga Sóng Thần khá thành công, mở ra phương án nâng cao năng lực vận tải liên vận quốc tế bằng đường; trong đó, ga Sóng Thần sẽ là điểm trọng điểm hàng hóa phía Nam.
Ga Sóng Thần đến Đồng Đăng và Lào Cai kết nối từ Bình Dương với Trung Quốc và các nước trên tuyến vận tải đường sắt Á – Âu. Theo đó, ga Sóng Thần đã được cấp mã liên vận, giúp doanh nghiệp rút ngắn thời gian và chi phí khi thực hiện thủ tục xuất nhập khẩu tại đây. Như vậy, để đẩy nhanh chóng hội nhập, nâng cấp cho ngành logistics cần chuyển đổi số để nhanh chóng tiếp cận hệ thống toàn cầu hóa; trong đó, ưu tiên các đơn giản thủ tục để đẩy nhanh đưa hàng hóa đến các thị trường bằng các con đường phù hợp nhất.
Ngoài ra, Cảng Bình Dương do Công ty cổ phần Cảng Bình Dương (thuộc Tập đoàn Gemadept) quản lý cũng đã chứng tỏ vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi số của ngành logistics.
Ông Trần Sơn Hải, Phó Giám đốc phụ trách cảng Bình Dương cho biết: “Chúng tôi không ngừng áp dụng công nghệ hiện đại và tối ưu hóa quy trình để phục vụ khách hàng tốt nhất, đồng thời giảm thiểu chi phí và thời gian”.
Với việc kết nối các bên liên quan như hãng tàu, cảng và khách hàng, cảng Bình Dương đã tối ưu hóa việc sử dụng container 2 chiều, giúp giảm thiểu chi phí cho khách hàng và tạo ra sự thuận tiện trong quá trình vận chuyển hàng hóa.