Don-bay-chuyen-doi-so-logistics-cho-thu-phu-cong-nghiep-Binh-Duong-1200x675.jpg

Bình Dương không chỉ nổi tiếng với vị thế thủ phủ công nghiệp, còn là trung tâm logistics hàng đầu của cả nước. Với sự phát triển đồng bộ của hạ tầng và sự chủ động trong định hướng phát triển, tỉnh đang mở ra nhiều cơ hội mới về chuyển đổi số cho ngành logistics.

Bình Dương hiện là một trong những địa phương phát triển năng động nhất của khu vực phía Nam và cả nước với sự hình thành và phát triển 30 khu công nghiệp tập trung, 12 cụm công nghiệp tập trung gắn kết với việc thu hút 4.000 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với hơn 40 tỷ USD và hàng chục nghìn doanh nghiệp trong nước.

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương hiện đã vươn lên đứng vị trí thứ 3 trên cả nước. Chỉ tính riêng năm 2023, kim ngạch xuất nhập khẩu của thủ phủ công nghiệp Bình Dương là hơn 56,5 tỷ USD và 3 tháng đầu năm 2024 là 13,4 tỷ USD.

Lợi thế đó đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics của Bình Dương cũng phát triển khá nhanh về cả số lượng lẫn chất lượng. Hệ thống kho, bãi, phương tiện vận chuyển liên tục được đầu tư mới, mở rộng, nâng cấp, cơ bản đáp ứng được yêu cầu lưu thông hàng hóa trong và ngoài nước của các doanh nghiệp trong tỉnh.

Theo ghi nhận, Trung tâm phân phối FM Logistics tại Khu công nghiệp VSIP 2A đưa vào vận hành để đáp ứng nhu cầu trên. Ông Hamza Harti, Giám đốc điều hành FM Logistics Việt Nam, cho biết Bình Dương là một trong những trung tâm công nghiệp và sản xuất phát triển nhanh nhất tại Việt Nam.

Là nơi tập trung của nhiều Khu công nghiệp và khu sản xuất, Bình Dương trở thành địa điểm lý tưởng để trở thành một trung tâm phân phối hiện đại, quy mô, có thể tham gia vào hệ sinh thái công nghiệp. Nhiều cụm công nghiệp tập trung tại khu vực này, bao gồm ngành điện tử, dệt may và hàng tiêu dùng nhanh, là lợi thế hấp dẫn cho cơ hội hợp tác giữa các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng của hệ thống logistics để vận chuyển hàng hóa xuất khẩu.

Với những bước tiến chắc chắn và định hướng phát triển rõ ràng, Bình Dương đang thể hiện vai trò của mình không chỉ trong ngành công nghiệp mà còn trong lĩnh vực logistics. Điều này không chỉ tạo ra cơ hội phát triển kinh tế mà còn góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước. Bình Dương không chỉ là điểm đến của các doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội mới mà còn là biểu tượng cho sự sáng tạo và phát triển trong thời đại số hóa và hội nhập quốc tế.

Theo thống kê của Hiệp hội Xuất khẩu tỉnh Bình Dương, quý I năm 2024, riêng hệ thống logistics đã tăng khoảng 25% do thị trường xuất khẩu hàng hóa ấm dần lên. Song rủi ro vẫn hiện hữu trong bối cảnh thị trường kinh doanh ngày càng cạnh tranh và hội nhập quốc tế hiện nay.

Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu tỉnh Bình Dương Phạm Văn Xô cho biết, hiện chuỗi cung ứng trong hệ thống logistics trên địa bàn tỉnh đã chuyển đổi số từng phần, nhưng chưa đạt như kỳ vọng, do nguồn lực đầu tư còn hạn chế. Theo đó, cần đòn bẩy cho lĩnh vực chuyển đổi số ngành công nghiệp logistics để đưa hàng hóa xuất khẩu tiến nhanh hơn nữa.

Mới đây, tại buổi làm việc đoàn công tác của Bộ Thông tin truyền thông, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh đã đặt ra nhiều kiến nghị với Bộ Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh vào việc hỗ trợ tỉnh trong việc xây dựng hồ sơ và phê duyệt đề án Khu Công nghệ thông tin tập trung cũng như việc xây dựng mô hình cơ sở dữ liệu chuỗi cung ứng; đồng thời, hỗ trợ đào tạo kỹ năng số cho lao động, đây là một phần không thể thiếu trong quá trình chuyển đổi số của ngành logistics.

Về phía Bộ Thông tin truyền thông, Quyền Cục trưởng Cục Chuyển đổi số Quốc gia Hồ Đức Thắng gợi ý nhiều biện pháp để chuyển đổi số liên quan đến thúc đẩy dịch vụ công trực tuyến và đào tạo nguồn nhân lực.

Cụ thể, những giải pháp này gồm việc tự động hóa trong quản lý kho bãi và vận chuyển, sử dụng công nghệ thông tin để tối ưu hóa quản lý chuỗi cung ứng, cũng như đào tạo và nâng cao kỹ năng số cho người lao động.

Chuyển đổi số không chỉ là một xu hướng mà còn là một cơ hội cho ngành logistics tại Bình Dương. Việc áp dụng công nghệ và đổi mới trong quản lý và vận hành có thể giúp giảm chi phí, tăng cường hiệu suất, và nâng cao chất lượng dịch vụ. Đây là những yếu tố quan trọng giúp ngành logistics không chỉ phục vụ hiệu quả cho nhu cầu vận chuyển hàng hóa mà còn thúc đẩy sự phát triển bền vững của khu vực và đất nước.

Bình Dương đã xác định việc đẩy mạnh dịch vụ logistics là một trong những nền tảng quan trọng để thu hút đầu tư nước ngoài, thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế, và trở thành trung tâm logistics của khu vực phía Nam. Để thực hiện mục tiêu này, tỉnh đang tích cực xây dựng Đề án Phát triển bền vững hệ thống logistics đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Các doanh nghiệp logistics tại đây đang tích cực chuyển đổi số, tiêu biểu như Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) với đề xuất cải tạo và xây dựng ga liên vận quốc tế Sóng Thần tại thành phố Dĩ An trở thành trung tâm logistics của tỉnh Bình Dương và Đông Nam bộ.

Ông Đặng Sỹ Mạnh, Chủ tịch Hội đồng thành viên VNR cho biết, VNR đã tổ chức được những chuyến hàng liên vận quốc tế từ ga Sóng Thần khá thành công, mở ra phương án nâng cao năng lực vận tải liên vận quốc tế bằng đường; trong đó, ga Sóng Thần sẽ là điểm trọng điểm hàng hóa phía Nam.

Ga Sóng Thần đến Đồng Đăng và Lào Cai kết nối từ Bình Dương với Trung Quốc và các nước trên tuyến vận tải đường sắt Á – Âu. Theo đó, ga Sóng Thần đã được cấp mã liên vận, giúp doanh nghiệp rút ngắn thời gian và chi phí khi thực hiện thủ tục xuất nhập khẩu tại đây. Như vậy, để đẩy nhanh chóng hội nhập, nâng cấp cho ngành logistics cần chuyển đổi số để nhanh chóng tiếp cận hệ thống toàn cầu hóa; trong đó, ưu tiên các đơn giản thủ tục để đẩy nhanh đưa hàng hóa đến các thị trường bằng các con đường phù hợp nhất.

Ngoài ra, Cảng Bình Dương do Công ty cổ phần Cảng Bình Dương (thuộc Tập đoàn Gemadept) quản lý cũng đã chứng tỏ vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi số của ngành logistics.

Ông Trần Sơn Hải, Phó Giám đốc phụ trách cảng Bình Dương cho biết: “Chúng tôi không ngừng áp dụng công nghệ hiện đại và tối ưu hóa quy trình để phục vụ khách hàng tốt nhất, đồng thời giảm thiểu chi phí và thời gian”.

Với việc kết nối các bên liên quan như hãng tàu, cảng và khách hàng, cảng Bình Dương đã tối ưu hóa việc sử dụng container 2 chiều, giúp giảm thiểu chi phí cho khách hàng và tạo ra sự thuận tiện trong quá trình vận chuyển hàng hóa.


Logistics-xanh-hanh-trinh-con-nhieu-thach-thuc-1200x675.jpg
Logistics xanh đang là xu hướng tất yếu, là khái niệm chỉ việc tính toán và triển khai các ứng dụng nhằm giảm thiểu các tác động về sinh thái của hoạt động logistics (dịch vụ hậu cần). Việc “xanh hóa” ngành logistics và ứng dụng logistics xanh vào kinh doanh sẽ giúp các doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chí về môi trường, nâng cao khả năng cạnh tranh và tăng trưởng bền vững…

 

Xanh hóa ngành logistics hiện nay không chỉ là trách nhiệm mà còn là động lực và yêu cầu bức thiết để thúc đẩy các doanh nghiệp ngành dịch vụ logistic nâng cao năng lực cạnh tranh, nâng cao hình ảnh thương hiệu, hướng tới phát triển bền vững và toàn diện hơn. Rất nhiều chuyên gia kinh tế và giới nghiên cứu trong lĩnh vực logistics có chung nhận định, trong bối cảnh hiện nay nếu các doanh nghiệp không thực hiện nhanh và ngay các tiêu chí để xanh hóa ngành logistics thì trong tương lai doanh nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn, dần bị “đào thải” ra khỏi các hoạt động kinh doanh và thương mại và xuất nhập khẩu trong nước và toàn cầu.

Ông Ngô Khắc Lê, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp logistics Việt Nam cho hay, logistics xanh vẫn đang là một khái niệm tương đối mới. Khái niệm và các yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động logistics xanh chưa được hiểu đầy đủ và chính xác. Vì vậy, để thúc đẩy logistics xanh để tăng trưởng toàn diện và bền vững tại Việt Nam, điều quan trọng là phải hiểu bản chất và vai trò của logistics xanh.

Cũng cần phải chỉ ra những thách thức trong việc xanh hóa ngành logistics của doanh nghiệp trong nước. Bởi theo ông Ngô Khắc Lê, do nhận thức và hiểu biết của các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa về yêu cầu xanh hóa ngành logistics đang rất hạn chế. Nhiều doanh nghiệp đang hiểu không đúng về khái niệm logistics xanh. Họ trồng cây, trồng hoa,… trong doanh nghiệp và coi đó là logistics xanh. Hoặc các doanh nghiệp nhỏ nhưng lại học theo cách làm logistics xanh của các doanh nghiệp, tập đoàn lớn. Chuyển đổi xanh đang là xu hướng và yêu cầu bắt buộc của mỗi doanh nghiệp, xong phải chọn giải pháp, phương án phù hợp với từng doanh nghiệp, lĩnh vực.

Thêm vào đó là thách thức về nguồn lực tài chính, về trình độ, năng lực cũng như vấn đề quản trị con người. Thứ yếu mới là vấn đề công nghệ thông tin và cơ sở hạ tầng.

Việc đưa ra các giải pháp giúp doanh nghiệp đẩy nhanh và toàn diện quá trình xanh hóa ngành logistics cần phải được nhìn nhận rộng hơn, đưa ra các giải páp tổng thể, khó ở đâu gỡ ở đó. Đầu tiên là phải thay đổi nhận thức về khái niệm logistics xanh. Phải truyền thông liên tục, duy trì thường xuyên. Song chỉ truyền thông thì không đủ mà cần sự vào cuộc đồng hành hành của Chính phủ, các cơ quan quản lý, trong đó cần những chính sách cụ thể, rõ ràng, ví dụ như về chính sách thuế…

Ông Ngô Khắc Lê cũng đề xuất phải làm sao để khai thác tốt hơn, hiệu quả hơn nữa giao thông đường thủy nội địa, đường ven biển… vừa tăng khối lượng hàng hóa vận chuyển, vừa giảm khí phát thải từ các phương tiện vận chuyển. Cùng đó, doanh nghiệp trong nước phải đẩy mạnh công tác đổi mới, sáng tạo, chuyển đổi số; triển khai mạnh mẽ hoạt động logistics xanh, logistics thông minh và logistics phục vụ hiệu quả trong xuất nhập khẩu hàng hóa.

Thúc đẩy logistics xanh để tăng trưởng toàn diện và bền vững không chỉ là yêu cầu của riêng Việt Nam mà là yêu cầu của cả thế giới về một xu hướng chung, do đó, các doanh nghiệp trong nước, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa phải tự tìm hiểu và tự cứu mình, vừa giúp nâng cao năng lực cạnh tranh, vừa xây dựng hình ảnh, thương hiệu đẹp, uy tín hơn với cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài, từ đó, hướng tới phát triển bền vững và toàn diện hơn.

Tiến sĩ Nguyễn Tiến Minh, Chuyên gia nghiên cứu về logistics khuyến nghị, phát triển logistics xanh bao gồm nhiều hoạt động, như cải tiến các phương tiện vận tải sử dụng nhiều nhiên liệu và thải ra môi trường khí thải độc hại, nâng cấp chất lượng hệ thống hạ tầng giao thông, chuyển đổi từ vận chuyển đường bộ sang đường thuỷ, đường sắt; sử dụng phương tiện vận tải thân thiện với môi trường hoặc ít phát thải khí carbon và vận hành hệ thống vận tải một cách tối ưu là những giải pháp quan trọng để xanh hoá hoạt động vận tải. Thêm vào đó là xanh hóa hoạt động kho bãi, như thiết kế và xây dựng kho không chỉ yêu cầu đảm bảo lưu trữ an toàn cho hàng hóa như duy trì độ ẩm tốt, chống ăn mòn, chống thấm, chống biến dạng, chống bay hơi, không bị rò rỉ… mà còn phải đáp ứng các tiêu chuẩn về môi trường. Rồi đến xanh hóa hoạt động đóng gói; theo đó, công nghệ đóng gói sáng tạo sẽ giúp giảm thiểu tổn thất của sản phẩm trong quá trình vận chuyển, đồng thời giảm tác động đến môi trường.

Cuối cùng là xanh hoá hệ thống thông tin. Bởi một hệ thống thông tin hoàn hảo có thể tăng mức độ xanh hóa hoạt động logistics bằng việc cung cấp những thông tin thực tế về mặt thời gian và điều khiển một cách chính xác, tối ưu các hoạt động trong logistics như đóng gói, lưu trữ, vận chuyển, chế biến, phân phối, xếp dỡ, xử lý hàng tồn kho… nhằm tuân thủ các yêu cầu về kinh tế cũng như môi trường, tạo điều kiện cho việc thực hiện dịch vụ logistics gắn với trách nhiệm môi trường.

Có thể thấy rằng, thiết lập một hệ thống logistics xanh là sự tích hợp lớn các hệ thống con khác nhau với nhiều kết nối và ràng buộc. Tất cả các hệ thống con trong mô hình đều có các vị trí và vai trò khác nhau. Hệ thống logistics xanh cũng không biệt lập mà cần có sự tương tác về thông tin và năng lượng với môi trường bên ngoài. Do đó, doanh nghiệp cần dành thời gian, đầu tư công sức nghiên cứu và ý chí quyết tâm chuyển đổi. Có như vậy, nỗ lực mới đem lại hiệu quả và hành trình xanh hóa ngành logistics mới nhanh đạt tới đích.


45-tinh-thanh-da-ban-hanh-ke-hoach-phat-trien-dich-vu-logistics-1-1200x675.jpg
Ngày 5/4, tại trụ sở Bộ Công Thương, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đã tổ chức họp với Sở Công Thương các tỉnh, thành phố về quản lý nhà nước đối với lĩnh vực logistics theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Phát biểu khai mạc cuộc họp, ông Nguyễn Anh Sơn – Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết: Với vị trí địa chính trị đặc biệt nằm trong khu vực phát triển năng động của thế giới, nơi luồng hàng tập trung giao lưu mạnh, cùng với sự hội nhập ngày càng sâu rộng với nền kinh tế toàn cầu, tốc độ tăng trưởng xuất nhập khẩu và thương mại điện tử luôn ở mức hai con số, Việt Nam đang trở thành điểm đến hấp dẫn cho hoạt động logistics trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Báo cáo của Ngân hàng Thế giới công bố năm 2023 cho thấy: Việt Nam đứng vị trí thứ 43 trong bảng xếp hạng chỉ số hiệu quả logistics, thuộc Top 5 ASEAN sau Singapore, Malaysia, Thái Lan và cùng vị trí với Philippines.

Cùng với đó, tốc độ tăng trưởng logistics Việt Nam bình quân hàng năm từ 14 – 16%, đóng góp quan trọng trong việc đưa tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của Việt Nam năm 2023 lên 638 tỷ USD. Dịch vụ logistics Việt Nam không chỉ góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế của đất nước mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc tạo lập mạng lưới vận chuyển hiệu quả, kết nối thương mại trong nước với các thị trường quốc tế.

Đặc biệt, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng các bộ, ngành, địa phương luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, hỗ trợ, đẩy mạnh việc thực hiện đồng bộ giải pháp. Từ đó, tối ưu hóa chi phí logistics, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo lập môi trường thuận lợi cho ngành dịch vụ logistics phát triển.

Để thúc đẩy lĩnh vực này, kiện toàn cơ chế quản lý, tạo điều kiện cho dịch vụ logistics phát triển mạnh mẽ hơn nữa, tại Nghị định 96/2022/NĐ-CP ngày 29/11/2022, Chính phủ đã giao Bộ Công Thương là cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước về dịch vụ logistics.

Ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho hay: Đến thời điểm này đã có 45 tỉnh thành đã ban hành Kế hoạch phát triển dịch vụ logistics (triển khai Quyết định 200/221); 47 tỉnh thành có báo cáo tình hình triển khai hoạt động logistics năm 2023; 9 tỉnh thành tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư, phát triển dịch vụ logistics của tỉnh; 5 tỉnh thành tổ chức tập huấn kiến thức logistics cho cán bộ địa phương.

Theo ông Trần Thanh Hải, bất kể lĩnh vực quản lý nhà nước nào cũng đều có sự liên quan của nhiều ngành khác nhau, cần có một ngành làm đầu mối. Sở Công Thương là cơ quan đầu mối, tham mưu cho lãnh đạo tỉnh về phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn. Sở Công Thương không làm thay chức năng, nhiệm vụ của các ngành khác mà chỉ đóng vai trò điều phối. Hơn nữa, kinh phí có thể đến từ các nguồn từ ngân sách Trung ương gồm dự án đầu tư cấp quốc gia (sân bay, đường cao tốc…), viện trợ phát triển (ODA); ngân sách địa phương; vốn doanh nghiệp….

Chia sẻ tại cuộc họp, bà Vũ Bích Hảo – Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu nhấn mạnh: Dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu khá đa dạng, từ vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ khác. Hiện nay, tỉnh hiện có tổng cộng hơn 300 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận chuyển hàng hóa và kinh doanh dịch vụ kho bãi logistics.

Về hạ tầng logistics cảng biển, Bà Rịa – Vũng Tàu có 69 bến cảng được quy hoạch; trong đó, có 50 dự án đang hoạt động với tổng chiều dài cầu bến là 17.735m, tổng công suất thiết kế là 180 triệu tấn/năm; 8 cảng container với công suất 8,3 triệu TEU/năm. Cụm cảng Cái Mép – Thị Vải là cụm cảng chính của cảng biển Bà Rịa – Vũng Tàu, hiện đã có 24 dự án đi vào hoạt động với chiều dài cầu bến 10.988m, tổng công suất thiết kế là 155 triệu tấn/năm, có tiềm năng là cửa ngõ quan trọng không chỉ của Việt Nam mà còn của khu vực Đông Nam Á. Hiện nay, cụm cảng này đã đón được siêu tàu container lớn nhất thế giới có tải trọng 232.000 DWT vào tháng 3/2023.

Theo bà Vũ Bích Hảo, tỉnh phấn đấu đến năm 2025 xây dựng Bà Rịa – Vũng Tàu trở thành đầu mối về dịch vụ logistics của khu vực Đông Nam Bộ. Mục tiêu đến năm 2025, tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ logistics vào tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt xấp xỉ 4,4%, tốc độ tăng trưởng bình quân dịch vụ logistics giai đoạn đến năm 2025 là 8%. Tổng sản lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng biển tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu giai đoạn đến năm 2025 đạt bình quân 100 triệu tấn/năm.

Để nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển ngành logistics, bà Vũ Bích Hảo kiến nghị Bộ Công Thương tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về dịch vụ logistics; nhất là hướng dẫn chi tiết về quản lý nhà nước trong lĩnh vực logistics để làm cơ sở pháp lý cho các địa phương triển khai, thực hiện.

Cùng đó, Bộ Công Thương và Bộ Giao thông vận tải tiếp tục quan tâm, thực hiện nhiệm vụ “Hỗ trợ nâng cao hiệu quả khai thác tiếp thị và mở rộng nguồn hàng cho cụm cảng Cái Mép – Thị Vải” tại Quyết định số 200/QĐ-TTg ngày 14/2/2017 của Thủ tướng Chính phủ. Ngoài ra, hỗ trợ tỉnh nghiên cứu thực hiện Đề án khu thương mại tự do gắn với cảng biển tại khu vực Cái Mép Hạ.

Hiện nay, Văn phòng Chính phủ đã có công văn số 2104/VPCP-KTTH ngày 30/3/2024 về việc báo cáo kết quả nghiên cứu học tập kinh nghiệm phát triển các mô hình khu thương mại tự do gắn với cảng biển. Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các bộ có liên quan nghiên cứu các kiến nghị, đề xuất của Tỉnh ủy Bà Rịa – Vũng Tàu tại văn bản số 8060-CV/TU để đề xuất, báo cáo cấp có thẩm quyền.


CÔNG TY TNHH HOMIS LOGISTICS

Trụ sở: 76 đường số 4, khu phố 5, Phường Bình Hưng Hòa B, Quận Bình Tân, Thành phố Hồ Chí Minh

Văn phòng: 115 đường DD7, Phường Tân Hưng Thuận, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại: 0909 576 896

Email: contact@homislogistics.com

Mã số thuế: 0315323244